Nếu bạn đang muốn sắm một chiếc xe đạp để đi xuyên Việt trong mùa hè này nhưng phân phân không biết chọn xe như thế nào cho chuẩn thì hãy đọc ngay bài viết này để tìm câu trả lời cho mình nhé. 

Những mùa xuyên Việt đầu tiên, những chiến binh Xuvier đã vượt qua hành trình gần 2000km từ Hà Nội tới Cà Màu chỉ với những chiếc cào cào, Martin, Asama, Thống Nhất, một dĩa một líp, sau này còn có bạn đi cả xe đạp gấp, xe fixed (xe không phanh) ấy thế mà vượt bao con đèo tới tận Cà Mau.

Thế nên khẳng định với các bạn một điều rằng xe gì cũng không quan trọng bằng ý chí của chúng ta, xe gì cũng đi xuyên Việt được tất.

Thế nhưng, 9 mùa xuyên Việt đã qua, thế thời thay đổi, đời sống tốt hơn, mẫu mã xe đạp cũng đa dạng hơn, các Xuviers thường muốn đầu tư cho mình một chiếc xe đạp xịn hơn.

Vậy một chiếc xe như thế nào sẽ là lựa chọn phù hợp với hành trình này? 

Khoan nói đến các dòng xe, chúng ta sẽ xét tới những tiêu chí sau đây:

  • Có baga: trong hành trình này bạn sẽ phải chở hành lý, balo của mình, ít thì 5 cân nhiều thì 10 ký. Trên thị trường có thể người ta không lắp sẵn baga, mà mình phải mua thêm để lắp vào, việc nhà sản xuất không thiết kế sẵn baga tức là xe đó không phù hợp để chở đồ, hoặc người ta muốn để cho đẹp, hoặc muốn để khách hàng hàng tự lắp theo ý thích. Các bạn nhớ hỏi người bán có thể lắp baga không nha, vì có thể xe không thiết kế để lắp baga luôn. Xe có baga lắp sẵn thì cũng chắc chắn hơn, có khi người ta còn hàn chết baga vào khung xe luôn, có thể chở đồ nặng hơn, nếu bạn muốn đèo ai đó ở phía sau laugh Đèo đi chơi thôi chứ đừng đèo đi xuyên Việt nhé :)))

  • Có chắn bùn: không có chắn bùn đi trời mưa thì ối giời bùn đất bắn lên tới đầu. Cũng như baga, chắn bùn có thể không được lắp sẵn.

  • Nhiều líp, dĩa: là bộ phận truyền động của xe, phía trước gọi là dĩa, phía sau gọi là líp, dĩa thông thường là 1 hoặc 3 dĩa, líp có thể là 7, 8, 9 líp, bạn có thể lựa chọn xe có 3 dĩa 7 líp, hoặc 1 dĩa 7 líp, hoặc tăng số líp lên nếu có điều kiện, nhưng lưu ý nó cũng sẽ tăng trọng lượng của xe, đắt hơn, khó bảo trì và nhiều khi không cần thiết. Việc có nhiều dĩa líp sẽ giúp cho chúng ta leo dốc dễ dàng hơn, và điều chỉnh cho phù hợp với lực đạp của bản thân, giống như xe máy có số vậy.

  • Lốp: có 3 loại lốp phổ biến là lốp nhỏ cho xe đua; lốp trung bình cho xe đi trong đường làng, đường phố; và lốp to, dày cho xe leo núi, đi trên đường gồ ghề sỏi đá. Tuy nhiên hành trình này chúng ta đi theo tuyến quốc lộ, chủ yếu là đường nhựa, đường bê tông, lốp nhỏ thì không chở được đồ, lốp to thì ma sát lớn, đạp mệt hơn, nên lốp trung bình là lựa chọn hợp lý. Bạn có thể đi lốp to cũng được, lốp to có thể hạn chế các vấn đề như thủng xăm thủng lốp, nhưng tuyệt đối không lựa chọn lốp nhỏ để đi xuyên Việt đâu nhé, nó không được thiết kế để đi trong môi trường khắc nghiệt và có tải trọng lớn.

  • Phanh: có 2 loại chính:

    • Phanh vành:

      • Ưu điểm: không cần dùng quá nhiều lực do khoảng cách từ trục lớn nên cho momen lớn, cấu tạo cơ khí hoạt động đơn giản nên phần lớn phanh vành khá gọn nhẹ, dễ bảo trì, dễ thay thế, giá thành rẻ.

      • Nhược điểm: vành nhôm bánh xe thường bị bào mòn bởi lực ma sát của phanh tác động nên, bánh xe vì thế cũng yếu đi, nếu xe bị cong vành, khi di chuyển dưới mưa, lực phanh tác dụng lên sẽ không đồng đều gây ra hiện tượng giật phanh, trơn trượt bánh xe, dễ dàng té ngã. Đòi hỏi phải được bảo trì thường xuyên vì nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến cho miếng phanh bị bào mòn. 

    • Phanh dĩa (có 2 loại phanh dĩa dầu và phanh dĩa cơ):

      • Ưu điểm: Khác với các loại phanh khác, phanh đĩa có trọng lượng thấp, hiệu quả phanh tốt. Đĩa phanh được tiếp xúc với không khí, tản nhiệt tốt hơn. Ngoài ra phanh còn có khả năng thoát nước tốt dễ dàng bảo dưỡng và thay thế. 

      • Nhược điểm: Phanh đĩa được làm bằng kim loại, có độ chính xác cao cấp hơn nên việc bảo dưỡng, thay thế cũng có giá thành cao hơn. Do đĩa phanh được đặt ở ngoài nên việc dính bùn, đất có thể dẫn đến tình trạng mất phanh gây nguy hiểm. 

Ngoài ra còn có phanh đùm, nhưng phanh đùm ít sử dụng hơn.

Bạn có biết vì sao trên các dòng xe cao cấp, xe đua thường sử dụng phanh vành không? Đó là bởi vì xe đua được thiết kế chạy với tốc độ cao, trên đường bằng phẳng, phanh ít khi được sử dụng, và người ta cũng chú ý đến việc tối ưu trọng lượng của xe.

  • Kích thước: kích thước bánh xe thường là 26, 27.5, 29 inch bạn; phổ biến nhất là 26 vì nó phù hợp với chiều cao vóc dáng người Việt cao từ 1m7. Nếu bạn cao hơn có thể cân nhắc size 27.5 inch. Size 26 thường được thiết kế cho xe địa hình, 27.5 cho xe city. Tuy nhiên việc có phù hợp với chiều cao của bạn còn xét đến kích thước khung xe nữa, bạn ngồi lên mà thấy thoải mái là được.

Trên thị trường phân ra 3 dòng xe chính là

  • Road (xe đua)

  • Xe địa hình, thể thao (đi trong điều kiện đường gồ ghề sỏi đá, đường núi)

  • Xe city, touring (xe đi trong đường phố, đường trường)

 

Thông thường khó kiếm được chiếc xe nào phù hợp với tất cả các điều kiện trên, thường thì “được cái lọ - mất cái chai”. Nên chúng ta sẽ xét đến 2 dòng xe là địa hình và city - touring. Cách dễ nhất phân biệt 2 dòng xe này đó là lốp xe, một loại lốp to và một loại lốp trung bình.

Trong tầm giá từ 3 - 5 triệu, có thể tìm thấy một chiếc xe địa hình có 3 dĩa 7 líp, có baga, chắn bùn, phanh dĩa, size bánh 26 inch, lốp lớp, hoặc một chiếc xe touring có baga, chắn bùn, size 27.5, phanh vành, lốp trung bình. Xe địa hình thì không bền như xe touring, vì nó không thiết kế để đi những chặng đường dài, khung xe địa hình cũng không thiết kế để ngồi lâu, có thể khiến bạn đau mông, đau cơ nhiều hơn.

Trong tầm giá 5-10 triệu bạn có thể thoải mái lựa chọn được một chiếc xe ưng ý để đi xuyên Việt nếu mua xe mới. Hoặc nếu điều kiện kinh tế không cho phép bạn cũng có thể lựa chọn mua xe cũ, có điều xe cũ cần phải kiểm tra cẩn thận và lựa chọn cửa hàng uy tín, kiểm tra dĩa líp (dĩa líp mòn trông sẽ nhọn hơn nhé), mức độ hao mòn, rỉ sét, sơn, … 

Xe gì thì xe, vẫn là của bền tại người, bạn đi và bảo dưỡng tốt, bổ sung những kiến thức về xe đạp, lắng nghe những âm thanh từ chiếc xe và có biện pháp xử lý kịp thời thì chiếc xe sẽ luôn bền bỉ trên hành trình của bạn.

Những người thợ ven đường cũng không hiểu rõ chiếc xe của bạn bằng chính bạn đâu, nhiều khi bệnh một đằng người ta bảo một nẻo, thế nên hãy chú ý lắng nghe những tiếng động phát ra từ chiếc xe.

Một số kinh nghiệm mình có thể chỉ bạn như sau:

  • Nước biển sẽ làm xe của bạn rỉ sét với chỉ một lần nhúng, thế nên nếu bạn lỡ “nhúng” xe vào nước biển thì hãy rửa kỹ càng ngay sau đó nhé. Nước mưa cũng thế, nước mưa bây giờ có tính axit cũng có thể ăn mòn làm hoen rỉ xe, và làm trôi đi lớp dầu mỡ trên sên dĩa, hãy cố gắng xịt rửa xe nếu có điều kiện sau những trận mưa liên tục và tra lại dầu mỡ nhé.

  • Việc tra dầu mỡ cho xe không đúng cách có thể làm sên dĩa nhanh mòn hơn là không tra gì cả, dầu mỡ dư thừa sẽ làm cát sạn bám vào và mài mòn xích, líp dĩa nhanh hơn. Cách làm đúng là sau khi tra xong, đợi cho dầu mỡ thấm vào sau đó bạn dùng khăn lau đi phần dầu mỡ dư bên ngoài.

  • Việc chiếc xe kêu cót két, lạch cạch, có rất nhiều lý do, có thể khô dầu, chà xích, chà phanh, các trục truyền động, pedal … hãy kiểm tra và xử lý kịp thời tránh cứ để thế mà đi, bạn có thể sẽ lại mua xe mới đấy.

  • Tránh phơi xe ngoài trời giữa nắng mưa, ngoài việc xăm lốp có thể bị xì, lốp sơn bảo vệ cũng có thể bị bong tróc gây rỉ sét.

Đó là tất cả những gì mình biết, nếu các bạn có những kinh nghiệm khác hãy cùng thảo luận và chia sẻ thêm nhé! Chúc các bạn lựa chọn được một chiếc xe ưng ý!