5h30 sáng ngày 8 tháng 7, chúng tôi bắt đầu xuất phát vượt chặng đường hơn 30km đã tới được chân đèo Ngang. Cả đoàn tập trung nghỉ ngơi lấy lại sức chuẩn bị vượt đèo. Đèo Ngang không phải là con đèo duy nhất thử thách chúng tôi trong chặng đường xuyên Việt, nhưng đây là con đèo đầu tiên thử thách sức bền, ý chí vượt qua chính bản thân của mình. Với độ dài lên 2km, xuống 2km, độ nghiêng trung bình 10%, có nhiều đoạn dốc ghập ghềnh, để vượt qua con đèo này không phải là quá khó khăn với tất cả chúng tôi, quan trọng là ý chí của từng tình nguyện viên. Chặng đường tới chân đèo dưới cái nắng và gió miền Trung, đa số chúng tôi đã thấm mệt nhưng ý chí quyết tâm vượt đèo còn nóng và mạnh hơn cái năng và cái gió của miền Trung. Chỉ sau 8 phút xuất phát từ chân đèo, bạn Phan Mậu San là người đầu tiên trong đoàn đặt chân tới đỉnh đèo Ngang. Ngay sau đó lần lượt chúng tôi cũng đã tới đỉnh đèo. Có một điều đáng mừng là trong top 10 dẫn đầu đoàn tới đỉnh đèo sớm nhất, có một vài gương mặt nữ xuất hiện, có thể thấy sức bền và ý chí của các bạn nữ xuyên Việt cũng không hề thua kém các bạn nam. Tại đỉnh đèo Ngang, trước khi cả đoàn đổ đèo, ban Kỹ thuật đã cẩn thận kiểm tra xe của từng TNV, đặc biệt là bộ phận phanh xe để đảm bảo an toàn. Đổ đèo an toàn, chúng tôi lại tiếp tục đạp xe tới Đảo Yến – Vũng Chùa thuộc huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, là nơi an táng Đai tướng Võ Nguyên Giáp để thăm viếng, lúc đó là 11h. Trước mộ Đại tướng, từng tình nguyện viên thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành trong không khí nghẹn ngào xúc động.
Đoàn TNV dâng hoa và thắp hương tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Rời Đảo Yến – Vũng Chùa, chúng tôi đạp xe tới điểm nghỉ trưa. Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục đạp hơn 40km về bển Nhật Lệ thuộc Thành phố Quảng Bình. Nhật Lệ là bãi biển đẹp và còn rất hoang sơ, chúng tôi đã có trải nghiệm thú vị tại đây khi được nằm ngủ ở bãi biển, được ngắm ánh trăng nghe tiếng sóng vỗ vào bờ rì rào.
Ngày hôm sau, ngày 9 tháng 7, cả đoàn tiếp tục hành trình xuyên Việt chặng đường rời Quảng Bình về Quảng Trị. Điểm dừng chân tại chân cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Cột cờ Giới tuyến vĩ tuyến 17, là ranh giới chia cắt Việt Nam trong chiến tranh, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miềm Nam – Bắc. Sau đó chúng tôi tiếp tục vượt chặng đường về điểm nghỉ tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, huyện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Cột cờ giới tuyến tại Di tích Cầu Hiền Lương - Song Bến Hải
Thực hiện: Ban Truyền thông Xuyên Việt 2014